Hồn Nhiên Măng Đen

Tháo luôn chiếc nón bảo hiểm ra, chúng tôi phóng xe máy ngoằn ngoèo qua 17 khúc quanh uốn lượn của con đèo dài 12 cây số. Gió lùa trong tóc. Hương thông ướp đầy lồng ngực. Những cánh rừng ngút ngàn vút qua. Điều bí mật chưa khai phá của Bắc Tây Nguyên hiện ra trước mắt: Cao nguyên Măng Đen!

 

THỊ TRẤN GIỮA RỪNG

Thông tin của một đồng nghiệp từ Gia Lai cho hay một cao nguyên ít người biết ở Kon Tum có thể coi là Đà Lạt thứ hai khiến chúng tôi háo hức lên đường. Từ Kon Tum vượt 60 km theo hướng Bắc, con đường nhựa mới toanh đã đưa chúng tôi đến thị trấn Măng Đen và bắt đầu một chuỗi ngạc nhiên.

Gọi là thị trấn của huyện Kon Plông nhưng Măng Đen chẳng có chợ, có phố và cũng chưa có lấy một xóm cư dân nào! Trên một mảnh đất bằng phẳng mênh mông ở độ cao 1.200 m chỉ vỏn vẹn mấy khối nhà mới xây dành cho các cơ quan của huyện còn tươi mầu ngói giữa mầu xanh ngút ngàn của những cánh rừng thông bao bọc chung quanh! Điện và điện thoại đã kéo đến tận nơi, nhưng nước thì chưa có. Những người sống quanh đây phải khoan giếng, nhiều khi sâu cả 100 m mới đụng mạch nước ngầm.

Nhưng cái ngỡ ngàng đầu tiên ấy tan ngay khi chúng tôi được đền bù lập tức bằng lòng hiếu khách của những chủ nhân Măng Đen. Các anh ở chính quyền huyện bỏ luôn việc làm đưa chúng tôi đi thăm hồ Dakke cách đó chừng cây số. Vượt qua một dốc quanh, trước mặt là một tấm gương trong vắt ngửa soi mây trời. Hồ Dakke là một kiểu hồ Xuân Hương của Đà Lạt nhưng nằm lọt giữa núi rừng. Chung quanh không một hàng quán, dịch vụ gì, ngoại trừ một nhà rông lớn bên hồ và đôi ba chòi nhỏ trên vách núi dưới tán rừng do huyện tự làm để mọi người vào nghỉ chân, tránh nắng.

Nhưng cách đó chừng hai cây số về phía cuối hồ, đi băng qua rừng già nguyên sinh rộ tím mầu hoa sim đang mùa là tới một ngọn thác nhỏ cũng mang tên Dakke. Thác nằm sâu dưới một hẻm núi, cao chừng 8 m nhưng bề ngang rộng gấp đôi. Nước trút xuống một khoảng trũng bằng phẳng ngẫu nhiên và chảy thành dòng suối len lỏi những hòn đá tảng kéo dài cả trăm mét. Những người dân ở đây đặt cho dòng nước giữa rừng già ấy một cái tên mộc mạc- Suối Đá. Trên đường xuống thác, chúng tôi ngạc nhiên thấy dấu vết của một cái đập thủy điện hoang phế từ lâu. Người Pháp đã biết đến Măng Đen từ đầu thế kỷ trước và đã xây cái đập ấy. Cũng chính họ từ dạo ấy đã cho máy bay rải hạt thông khắp vùng rừng này. Thông ấy giờ đã thành cổ thụ với nhiều cây cao vút, to đến ba người ôm không xuể. Thảo nào từ dưới Kon Tum, chúng tôi đã nghe người dân ở đây tự hào giới thiệu Măng Đen với biệt danh “rừng thông trăm tuổi”!

GIẤC MƠ ĐÀ LẠT

Măng Đen chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Huyện Kon Plông mới thành lập từ ba bốn năm trước nhưng các cơ quan huyện nằm ở Măng Đen chỉ mới hoạt động được hơn một năm nay. Khu chợ gần nhất nằm cách xa thị trấn cả chục cây số. Tất cả nhân sự làm việc ở Măng Đen đều ở Kon Plông 12 cây số dưới chân đèo, sáng đi chiều về. Chỉ đôi ba thanh niên độc thân ở lại qua đêm trong khu nhà tập thể Măng Đen đêm đêm nghe tiếng rừng mà mơ mộng.

Măng Đen giống Đà Lạt, nhưng có lẽ giống Đà Lạt vào cái thời lâu lắm. Bốn bề rừng trùng điệp vây phủ, ẩn giấu dưới tán rừng nguyên sinh là nhiều dòng thác bí mật. Với cái khí hậu mát mẻ quanh năm, những người dân ở đây hồn nhiên mơ ước Măng Đen rồi sẽ trở thành một Đà Lạt thứ hai. Những cán bộ ở Ủy ban huyện say sưa kể cho chúng tôi nghe những dự án đã và đang được đệ trình phê duyệt mong đánh thức Măng Đen, nàng công chúa ngủ trong rừng. Họ mơ về những resort tương lai, mơ phát triển công nghệ trồng rau hoa xứ lạnh như Đà Lạt, mơ những dự án đang nằm chờ đầu tư…

Những giấc mơ đáng trân trọng. Nhưng chúng tôi thầm lo khi những giấc mơ ấy thành hiện thực thì cái hồn hậu, hiếu khách, chân thành của những con người chốn này có còn lại? Đó là cái làm chúng tôi rung động. Rượu cần, thịt nướng, bánh mì bày ra. Các cô gái quyết tâm hạ gục những chàng trai thành phố bằng liên tục những tua rượu cần uống đong bằng cái bát, bằng những chăm sóc ân cần, và bằng đôi ba ánh mắt nào đó vừa táo bạo vừa e ấp. Nếu không bị quyến rũ vì lời hứa hẹn của các chủ nhân cho chúng tôi làm những khách phương xa đầu tiên được chiêm ngưỡng một dòng thác còn trinh vào buổi chiều có lẽ chúng tôi đã uống tới cùng. Thử xem men rượu cần Măng Đen nồng nàn đến đâu. Thử xem đêm trong rừng Măng Đen gợi tình đến đâu…

CHUYẾN TREKKING ĐÁNG NHỚ

Không thể đi bằng xe gắn máy, cánh phóng viên chúng tôi bốn người cùng anh trưởng phòng tổng hợp lên chiếc xe hai cầu của huyện. Lại băng qua những lối mòn gập ghềnh giữa rừng già. Đường càng lúc càng khó đi. Xe vượt qua một con suối cạn nhưng rộng hơn 50 m. Nước chảy xiết trong lòng suối lởm chởm đá tảng. Chiếc xe đòng đưa, chao đảo trên những tảng đá trơn trượt. Ngoi qua tới bờ bên kia, xe đi thêm một đoạn nữa thì hết đường. Đoạn còn lại chỉ mới mở đường chưa san ủi xong. Những chiếc xe xúc vẫn đang lầm lì san đất. Giữa nắng trưa, những tảng đất đỏ ngời mầu cao nguyên. Hai anh trong đoàn khảo sát cầu đường đã chờ sẵn ở đó đưa chúng tôi đi bộ xuyên rừng.

Thỉnh thoảng giữa cánh rừng chằng chịt lại hiện ra một trảng bằng. Những thân cây bị đốn ngã, đốt cháy xém nằm ngổn ngang giữa đám cây sắn xanh um vươn cao. Người dân tộc ở đây vẫn chưa bỏ được thói quen phá rừng làm rẫy. Măng Đen là nơi quần cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Xê Đăng, Hơ Re, Cơ Dong từ bao đời nay. Dân Xê Đăng ở đây vẫn làm ruộng theo cách đuổi cả đàn trâu xuống ruộng giẫm cho đất tơi ra để gieo lúa. Một triền núi bên cánh rừng trên đường đi là một dãy ruộng bậc thang mới cấy xanh um mầu mạ.

Chỉ có tiếng chim xáo động và rừng âm âm dội lại tiếng vang. Thỉnh thoảng mới gặp vài người dân tộc lên rừng tìm thức ăn. Hai anh em người Xê Đăng bắt được một mớ cá và ếch trong khe núi hào phóng chia lại một ít cho người dẫn đường đoàn chúng tôi. Đường dốc cao dần, mỗi lúc càng khó đi. Lau sậy và cỏ dại cao ngang đầu người làm chúng tôi dễ lạc lối nếu không đi gần nhau. Chốc chốc người dẫn đường phải hú vang vài tiếng để giúp người đi sau định hướng.

Từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng thác Pasi ầm ào vang vọng trong hẻm núi. Giữa ngọn núi cao, chợt nẻ ra một khe sâu và từ trên cao 30 m, dòng thác Pasi rủ xuống một mái tóc trắng thấp thoáng qua màn lá. Từ trên đỉnh thác phải leo xuống một đoạn dốc đứng đầy gai góc mới xuống được chân thác. Mấy cành phong lan vĩ đại xòe nở vô tư ven hồ nước. Chúng tôi quên hết mệt nhọc, quên những chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, quên những vết gai cào xước. Bốn anh nhà báo lôi máy ảnh ra chụp không ngừng. Trời bắt đầu chiều, ánh nắng hắt xuống hẻm núi đang tàn nhanh. Chỉ chốc lát nữa thôi là không thể lưu giữ lại những hình ảnh hiếm ai có về một dòng thác chưa có dấu chân du khách. Món quà huyện Măng Đen tặng cho chúng tôi thật quý giá vô cùng!

Trong khi chúng tôi chụp ảnh ngọn thác Pasi mỹ miều như một cô gái, những người dẫn đường tìm củi nhóm lửa và nướng những con cá và ếch được tặng trên đường đi. Trong rừng già Măng Đen còn cả rất nhiều ngọn thác ẩn giấu như thế này, nhưng đoàn khảo sát của huyện chỉ mới phát hiện được năm thác và thác Pasi là thác gần nhất chỉ cách Ủy ban sáu cây số theo đường chim bay. Nghe thì có vẻ gần thật, nhưng để đến đây chúng tôi phải đi mất cả hai giờ đồng hồ. Những ngọn thác khác xa hơn phải mất cả ngày đường đi về, hoặc phải qua đêm trong rừng.

Anh bạn đi cùng tiếc rẻ những đóa lan rừng mãi không chịu ra về khi nắng đã tà. Ngần ngừ mãi rồi anh bứng luôn gốc hai cây phong lan, tìm dây rừng bó lại cho gọn rồi quảy lên vai.

0918 118 111