Măng Đen- cơ hội để khai thác tiềm năng du lịch

 

Măng Đen- cơ hội để khai thác tiềm năng du lịch

 

KonPlông nằm ở phía Đông Bắc của Tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum 55 km. Vị trí Khu du lịch sinh thái Măng Đen được xác định là nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối dài, đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Măng Đen là điểm nối giữa Quãng Ngãi và thành phố Kon Tum qua Quốc Lộ 24, nằm trên tuyến đường Đông Trường Sơn nối từ Thạnh Mỹ ( Quãng Nam) đi Đà Lạt.

Đối với đường hàng không, Măng Đen cách sân bay PleiKu 90 km (2 giờ đi xe buýt), cách sân bay Kon Tum được công bố quy hoạch và sẽ đầu tư hoàn thành vào năm 2015, sân bay taxi Măng Đen cũng đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Về tiềm năng du lịch Măng Đen: Nằm ở độ cao trung bình từ 1000-1200m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm giao động từ 18-24oC. Cảnh vật tại Măng Đen hầu như còn nguyên sơ. Rừng nguyên sinh chiếm hơn 80% tổng diện tích tự nhiên (hơn 100.000ha); có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, nhiều loại gỗ và dược liệu quý hiếm như: pơmu, trầm gió, quế; có nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm như: Hươu, Nai. Trăn, Nhím... Bên cạnh diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn, Măng Đen còn có khoảng 4.000ha rừng thông được trồng từ những năm 1980 tạo thêm tính đa dạng hấp dẫn cho du lịch sinh thái.

Cùng với các rừng nguyên sinh, rừng thông, dòng sông Đăk Sơ Nghé với nhiều nhánh suối nhỏ, nhiều hồ nước như hồ Toong Đam, Toong Zơ Ri, Tông Pô và nhiều hồ khác nếu được cải tạo có thể lên đến vài trăm ha xen lẫn trong những khu rừng nguyên sinh. Hệ thống thác ghềnh đa dạng có độ cao hàng trăm mét như: thác Tu rằng, thác Nước Ka...Suối nước nóng Kon Du.

Măng Đen có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre, với nhiều nét văn hóa khác nhau của từng dân tộc. Nhiều lễ hội được người dân địa phương tổ chức hàng năm như: lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ hội cầu mưa,....các sản phẩm văn hóa đặc sắc: văn hóa cồng chiêng, tục uống rượu cần... Măng Đen gắn liền với di tích lịch sử Măng Đen, Măng Bút, nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt mà nhiều chiến sỹ của ta đã hy sinh như trận đánh ngày 28/01/1954, đây là trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Măng Đen còn để lại nhiều di tích chiến tranh; trong đó, hang động đá đã từng chứa được hàng ngàn chiến sỹ cộng sản.

Điểm khác biệt giữa Măng Đen với các khu du lịch khác có tính tương đồng, đó là Măng Đen chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi những làn sóng phá rừng làm nương rẫy hoặc những đầu tư không có quy hoạch, tàn phá môi trường sinh thái.

Thấy được những tiềm năng to lớn và giá trị riêng của Măng Đen trong việc phát triển khu du lịch sinh thái. Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất đưa Măng Đen vào quy hoạch Khu Du Lịch Quốc gia Việt Nam; giao Bộ xây dựng chủ trì cùng với tỉnh Kon Tum quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quốc gia Việt Nam; giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng với tỉnh Kon Tum quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Măng Đen trên phạm vi 130.000 ha; trong đó xác định các tuyến, điểm du lịch và quy hoạch chung cho khu đô thị du lịch Măng Đen theo hướng hiện đại, đồng thời xác định cho Huyện KonPlông là một trong ba vùng kinh tế động lực của Tỉnh.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các Sở ban ngành của Tỉnh. Sự nổ lực của huyện KonPlông, cùng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương, khu du lịch sinh thái Măng Đen đang dần được hình thành, phát triển. Nhờ vận dụng đúng đắn, linh hoạt các chính sách, pháp luật các văn bản của Tỉnh vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến địa bàn nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến triển khai dự án. Đến nay đã có nhiều dự án đã và đang triển khai, trong đó nhiều dự án đi vào hoạt động.

Hạ tầng phục vụ cho du lịch cũng được Huyện quan tâm đầu tư, hoàn thiện, các tuyến đường giao thông từ trung tâm Huyện đến các điểm du lịch được làm mới, nâng cấp, hệ thống nước sạch, điện được đầu tư đến tận nơi nhà đầu tư triển khai dự án. Một số sản phẩm. dịch vụ du lịch đã dần được hình thành và đưa vào khai thác như: hệ thống quần thể thác và hồ: Pa sĩ, Đăk Ke; dự án nuôi cá tầm, cá hồi; khu tượng Đức Mẹ...Lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng động. Hiện nay, với hệ thống Nhà hàng-Khách sạn, Biệt thự sang trọng, lịch sự đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao có thể đáp ứng được trên 300 khách du lịch lưu trú một đêm. Dự kiến đến cuối năm 2012 hệ thống Nhà hàng-Khách sạn, Biệt thự đảm bảo cho khoảng 500 khách du lịch lưu trú.

                           

Và để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế với vùng đất này, huyện KonPlông cam kêt sẽ chung tay cùng các nhà đầu tư giải quyết nhanh, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong thời gian tới, Huyện cam kết:

1. Tích cực đầu tư kết cấu hạ tầng hội đủ các chức năng của Khu du lịch sinh thái quốc gia, đồng thời đảm bảo các dịch vụ công chất lượng cao cung cấp phục vụ cho khu du lịch như điện, nước, bệnh viện, trường học, ngân hàng, hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng đường giao thông,...đặc biệt là nâng cấp tuyến Quốc lộ 24, riêng 2 đèo Măng Đen (tỉnh Kon Tum­) và VioLắc (tỉnh Quãng Ngãi) sẽ phấn đấu đi vào sử dụng trong năm 2012.

2. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch đô thị du lịch hoàn thành trong năm 2011, chú ý bố trí quy hoạch và kiến trúc xây dựng riêng biệt cho phù hợp với một đô thị xanh, đồng thời nghiêm túc tuân thủ quy hoạch được duyệt.

3. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các điểm tham quan, du lịch phục vụ du khách. Trước mắt đến cuối năm 2011 sẽ đưa thêm các điểm du lịch: thác Pa sỹ, hồ Toong Đam, suối thác Nước Ca, thúc đẩy khai trương một số nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch.

4. Thành lập bộ phận hỗ trợ và xúc tiến đầu tư để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, đồng thời trực tiếp phối hợp nhà đầu tư làm việc với các sở ngành của tỉnh để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính như: giới thiệu địa điểm lập dự án, thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký kinh doanh, đền bù giải phóng mặt bằng,...Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hàn chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Măng Đen.

5. Thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hội thảo, hội nghị, các lễ hội tại địa bàn nhằm xúc tiến đầu tư và thu hút khách du lịch.

6. Chỉ đạo trung tâm dạy nghề Măng Đen mở các lớp đào tạo, cung ứng lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp; đặc biệt trong năm 2011 sẽ mở 1 lớp Trung cấp du lịch cộng đồng là con em là người đồng bào dân tộc tại địa phương, với số lượng 100 em. Có chế độ chính sách ưu đãi nhằm thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao vào địa bàn; thu hút dân cư đồng thời sắp xếp, bố trí dân cư hợp lý.

7. Tiếp tục vận dụng đúng đắn, linh hoạt các chính sách, pháp luật, các văn bản của tỉnh vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư.

0918 118 111